“Tôi thấy sinh viên bây giờ học kém hơn ngày xưa”
Thỉnh thoảng ngồi với mấy đứa bạn, tán gẫu đủ chuyện lại nói về chuyện nhân viên vì bọn tôi bây giờ dưới quyền chả có cả đống cô cậu sinh viên mới ra trường làm nhân viên. Có lẽ tại vì trước đây tôi làm về giáo dục, tiếp xúc các bạn sinh viên nhiều nên hay bị hỏi đại loại như tại sao sinh viên bây giờ thấy học kém hơn?
Có qua thì cũng có lại, sinh viên bây giờ cũng có nhiều cái được hơn về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm hay độ chém gió. Nhưng bản thân tôi cũng phải công nhận, về nghiệp vụ để làm việc thì ĐA SỐ các bạn ấy có vẻ đuối thật. Tôi nói đa số vì tôi cũng chẳng vơ đũa cả nắm, tôi vẫn biết có những bạn sinh viên biết tận dụng tốt thời gian để tạo ra nền tảng rất tốt cho bản thân về sau nhưng thực sự con số đấy không nhiều. Tôi cũng chỉ ra cho bạn tôi một số thứ cơ bản dẫn đến việc này.
1. Internet là một thứ đáng gờm, nó có thể biến một người thành giáo sư với lượng kiến thức uyên thâm nhưng cũng có thể biến một người thành con bò để các công ty giải trí vắt sữa. Với nội dung giải trí quá nhiều như hiện nay thì việc đại đa số đối tượng sinh viên dành thời gian cho nó thì lấy đâu ra thời gian nghiên cứu học tập.
2. Khả năng tự học kém và dễ bị “dụ dỗ” bởi những thứ khác gây mất tập trung. Những thứ gây mất tập trung ở đây nó lại chính là các nội dung giải trí mà tôi đã nêu ở trên. Có bạn cũng muốn ngồi học đấy, nhưng không thể tự tập trung được bởi tin nhắn từ cái smartphone mà ở thời bọn tôi chỉ có stupidphone. Thực ra Smart hay Stupid thì tắt nguồn đi cũng giống nhau thôi.
3. Mất tự tin với chính bản thân mình đối với vấn đề học tập. Nhiều bạn quên mất rằng mình đã từng ôn luyện thi ĐH thế nào. Thế là cảm giác sợ, sợ rồi thì lại hay tìm đến các trung tâm dịch vụ đào tạo để mong đợi điều gì ấy. Học sinh của tôi, tôi nói thẳng là tôi chỉ dạy các em kiến thức, tôi không có trách nhiệm phải bắt em học. Không chăm chỉ được thì đừng có học lớp của tôi.
Dạo trước tôi có làm clip hướng dẫn giải bài Nguyên lý kế toán cho các bạn sinh viên, xong nhiều bạn inbox bảo thầy có mở lớp không để em đăng ký đi học ôn thi ở trường. Tôi có bảo thầy cô ở trường dạy tốt rồi sao em không học mà còn tìm đến anh làm gì? Tự lôi sách vở ra mà xem đi. Anh làm clip là để hỗ trợ thêm cho các em chứ không phải mở lớp kiếm tiền. Anh chỉ mở lớp dạy những thứ mà thầy cô ở trường không dạy thôi.
4. Có quá nhiều việc phải làm. Tôi thấy sinh viên bây giờ bận rộn, mà nói thẳng ra là kỹ năng quản lý thời gian quá kém chứ đời sinh viên có cái dog gì mà bận với chả rộn :))
5. Không biết mình đang ở đâu. Chính việc lười đọc thông tin và sống trong sự an toàn nhàn hạ dẫn đến nhiều bạn không biết mình đang ở đâu. Cuộc sống hàng ngày cứ trôi qua êm đềm cho đến ngày các bạn ra trường và “cảm thấy shock” vì trước đây toàn thấy màu hồng. Tại sao một số nước người ta phản đối TPP ầm ầm, còn biểu tình phản đối còn VN thì chưa thấy, đơn giản là chả hiểu mìa gì về TPP cả :v Kiểu như bao giờ bị ảnh hưởng tính sau. Tôi viết đến đây chắc có bạn giật mình kêu “Ủa TPP cũng bị biểu tình phản đối sao?” :p
….
Giải pháp?
1. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến đấy là sự định hướng, là mục tiêu sống của mỗi người. Tôi không dám chắc rằng nhiều bạn sinh viên mà ngay cả những bạn đã đi làm rồi thực sự chọn cho mình một mục tiêu sống để đi với nó suốt cả cuộc đời được. Con người có mục tiêu rõ ràng rồi, sẽ luôn có điều thôi thúc họ để đạt được những điều họ mong muồn. Có mục tiêu to to rồi từ đấy ta lập ra mục tiêu nhỏ nhỏ hơn cho từng năm rồi mục tiêu cho từng tháng.
2. Kế hoạch. Muốn làm điều gì đấy, cần phải có kế hoạch. Mục tiêu có mà không có kế hoạch thực hiện rõ ràng cũng chẳng làm được.
3. Kỷ luật. Có kế hoạch mà thực hiện không đâu vào đâu cũng vứt thôi. Mọi thứ cần phải có kỷ luật rõ ràng. Biết tự thưởng cho bản thân thì cũng phải biết tự phạt bản thân chứ.
4. Bạn đồng hành. Làm gì đi chăng nữa, bên cạnh luôn có người đồng hành, cùng chí hướng là điều tuyệt vời nhất. Người đấy là lúc để mình đang bị down chút thì sẽ động viên và kéo mình lên để đi cùng. Thế nên mấy bạn cứ hỏi tôi là anh ơi làm thế nào để đỗ được Big4? Thì kiếm mấy đứa cùng ôn Big4 mà thi vào chứ còn làm gì nữa?
5. Người giám sát. Thực ra ngoài bố mẹ bạn, cái thằng người yêu của bạn và ông chủ nhà ra thì chẳng ai rảnh hơi mà đi giám sát bạn cả. À, kể thiếu một người mà người này sẽ giám sát được bạn: yourself. Thỉnh thoảng ngồi trước tấm gương sáng và rọi vào đấy xem cái thân xác mình nó đang như thế nào mà biết còn điều chỉnh.
Mạn đàm ngày biển vắng thế thôi. Mỗi người đều có một cách sống và cách nghĩ khác nhau, cứ sống không làm ảnh hưởng đến người khác và làm người khác lo lắng là được.
by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)
=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/courses/