Gửi tân cử nhân K50 HVTC

Chúc mừng các em tân cử nhân K50 HVTC là nhân viên của mình, là học trò các lớp học và là bạn bè trên FB… đã chính thức cầm tấm bằng HVTC trên tay.
Một số bạn, anh biết, đã được offer những công việc như mong muốn. Còn một số bạn vẫn đang trong quá trình tìm công việc yêu thích. Cho dù thế nào đi nữa, thì anh vẫn luôn muốn dành một số lời khuyên cho các em khi bước sang một môi trường khác như sau:

0. Hãy xây dựng cho mình một kế hoạch 5 năm
Kế hoạch này bắt đầu bằng việc đưa ra mục tiêu, rồi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và sau đấy là kế hoạch hành động. Tại sao lại là 5 năm? Anh nghĩ đó là quãng thời gian đủ để tạo nền tảng cả về kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng có liên quan. 5 năm sau khi ra trường là lúc tạo nền tảng tốt nhất cho cả cuộc đời về sau, vì vậy phải thật nghiêm túc với nó. Kế hoạch bao gồm một số điểm chính:
– Con đường nghề nghiệp
– Học tập, chứng chỉ này nọ
– Trải nghiệm cuộc sống: du lịch, tham gia hoạt động…

1. Đừng vội vàng chọn một nơi để có việc làm
Anh hiểu cảm giác về áp lực phải có việc làm. Bản thân anh đã “nằm chờ” nửa năm trong khi bạn bè đã đi làm chỉ để thi vào những chỗ yêu thích. Chỗ làm đầu tiên rất quan trọng, anh không biết các em chọn làm ở đâu nhưng đó phải là nơi giúp các em hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu. Các em có bị “hỏng người” hay không là phụ thuộc vào chỗ làm đầu tiên này.

2. Vào làm rồi, đừng gặp khó khăn là nghĩ đến nhảy việc
“Chỗ nào cũng thế”, đó là khi những người đã có kinh nghiệm vài năm làm việc ngồi nói chuyện với nhau. Bất kể môi trường nào cũng có điều các em thích và không thích. Hiện thực thì không có thiên đường đâu. Thế nên, khó khăn là thử thách và phải tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn ấy. Thường, các có khăn sẽ đến từ các mối quan hệ trong công việc hoặc các vấn đề chuyên môn.

3. Nhưng cũng đừng ngại ngần nhảy việc
Việc vào làm rồi chuyển việc cũng là chuyện bình thường. Anh cũng khuyên các em không ngần ngại nhảy việc nếu:
– Gặp phải môi trường làm việc thực sự làm các em thấy bí bách. Có nghĩa là em đã cố gắng để xử lý các khó khăn rồi mà không được.
– Không có tương lai. Cái này do các em đánh giá dựa trên sự tham khảo ý kiến của những người đi trước.
– Rủi ro pháp lý cao: cái này các em nên tham vấn từ những người đi trước. Một số bạn cũng có hỏi anh về việc sếp bạn ấy bảo bạn ấy phải làm thế này, thế kia mà không đúng pháp luật lắm. Sếp bảo cứ làm đi, còn lại để sếp lo. Đùa chứ, sếp em vào tù thì còn lo được gì cho em nữa :))
– Khi thấy có một cơ hội khác tốt hơn. Nhiều bạn, vì ngại chuyển việc nên đôi khi cuộc sống bị lặp lại. Mà thế giới còn nhiều điều thú vị, nếu các em cảm thấy có nhiều cơ hội hơn hoặc từ trái tim mình muốn tiến xa hơn, cứ mạnh dạn mà bước ra khỏi nơi cũ. Vẫn sống tốt, tin anh đi.
Dù gì đi nữa, trước khi nghỉ thì các em nên hỏi ý kiến của càng nhiều người càng tốt và đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân mình.

4. Đừng quên học tập
Đừng tưởng học xong ĐH là “thoát”. Giai đoạn mới đi làm cũng là giai đoạn các em phát hiện ra mình bị “THIẾU RẤT NHIỀU THỨ”. Cái gì thiếu, thì phải đi học. Anh biết đi làm mệt rồi, tối về còn học cũng khá căng thẳng. Nhưng thời sinh viên các em làm gì để mà bây giờ bị “THIẾU”? Phải chăm chỉ bù lại cũng đúng thôi.
Ngoài ra, việc đầu tư vào học tập đi lên là rất cần thiết trong việc xây dựng nền tảng nghề nghiệp. Đã làm về chuyên môn thì những kiến thức chuyên sâu và sang chảnh lúc nào cũng có giá. Các em sở hữu được các kiến thức như thế thì giá trị bản thân của các em cũng được nâng lên rất nhiều.
Biết vừa học vừa làm là rất vất vả. Nhưng tùy định hướng tương lai mà các em chọn. Khổ trước, sướng sau thôi.

5. Trải nghiệm càng nhiều càng tốt
Đi làm rất mệt, cuối tuần mọi người thường nằm ở nhà nghỉ ngơi xem phim. Dẹp, dẹp ngay! Các em còn trẻ, nên sắp xếp tham gia các hoạt động để trải nghiệm. Trải nghiệm có thể tham gia các CLB nào đó, hoạt động xã hội nào đó.
Còn anh, anh khuyến khích các em đi du lịch càng nhiều càng tốt. Điều ấy tốt cho các em mở mang tầm mắt, cũng để xả stress. Và điều ấy cũng tốt cho xã hội khi các em thúc đẩy du lịch ở những nơi còn kèm phát triển.

6. Đừng vì công việc mà cố ép bản thân mình làm những thứ vốn không phải là mình
Ví dụ anh không thích uống rượu bia. Rất nhiều người khuyên anh đi làm phải biết uống rượu bia mới có sự nghiệp phát triển. Anh đã chứng minh sự nghiệp của anh vẫn ngon mà không có dấu chân của rượu bia. Ví dụ thế thôi, còn nhiều thứ khác nữa. Nếu để ép mình để tốt hơn, thì hãy ép. Còn nếu để ép mình để làm những việc không tốt như ký khống hóa đơn, chi tiền sai mục đích để tư lợi cá nhân… thì đó là tùy sự lựa chọn của em. Thông minh khác với tử tế ở chỗ thông minh có thể do bẩm sinh, còn tự tế là do lựa chọn.

Chúc các em thành công và hẹn 5 năm sau gặp lại để xem kế hoạch 5 năm của các em đã thực hiện như thế nào :))
======================

by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)

=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương:  https://truongducthang.com/courses/

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s