“Kiểm toán nội bộ” là gì?

“Kiểm toán nội bộ”, có thể bạn đã nghe qua về nghề này và để giúp các bạn hiểu rõ hơn về kiểm toán nội bộ, mình sẽ viết một chút về khái niệm kiểm toán nội bộ ở bài viết này nhé! Những gì mình viết chỉ mang tính chất diễn giải giúp các bạn hiểu nên có tính chất chém chút nhé :))

Kiểm toán nội bộ là gì?

Theo định nghĩa của The IIA (Viện kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ): “Kiểm toán nội bộ là hoạt động tư vấn và đảm bảo độc lập, khách quan được thiết kế nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả các hoạt động trong một tổ chức. Kiểm toán nội bộ giúp một tổ chức thực hiện được các mục tiêu thông qua việc mang lại phương pháp tiếp cận có hệ thống và quy tắc nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát và quản trị.”

“Tư vấn” và “Đảm bảo”

Như vậy, kiểm toán nội bộ (KTNB) có hai chức năng chính là “TƯ VẤN” và “ĐẢM BẢO”. Thế cụ thể “Tư vấn” và “Đảm bảo” nó là cái gì?

Đảm bảo: Các bạn hình dung một ông Chủ tịch HĐQT thì sẽ không biết một cách chi tiết và cụ thể về các công việc diễn ra trong doanh nghiệp của mình. Cái mà ngài chủ tịch nhận được là các báo cáo (cả báo cáo tài chính và quản trị, các thông tin phi tài chính khác) được lập bởi Ban Giám đốc. Chúng ta không đa nghi như Tào Tháo nhưng chúng ta cũng không được tin tưởng tuyệt đối bởi Einstein (Anh Xờ Tanh) cũng đã đưa ra thuyết tương đối, mọi thứ chỉ là tương đối thôi. Thế thì ngài chủ tịch biết phải làm thế nào khi mà ngờ không được và tin thì cũng chẳng xong. Ngài chủ tịch mới nghĩ ra một chiêu là lập ra một bộ phận KTNB. Chủ tịch mới bảo với giám đốc: “Chú bảo là báo cáo chú lập là chuẩn không cần chỉnh rồi đúng không. Không phải là anh không tin chú nhưng mà để giúp chú rà soát lại xem còn sai sót gì không thì để anh cho mấy thằng đệ KTNB xuống nó xem lại cho”. Sau đó, KTNB thực hiện đánh giá về các bằng chứng để đưa ra ý kiến hoặc kết luận liên quan đến doanh nghiệp, hoạt động, bộ phận, quy trình, hệ thống hoặc các vấn đề khác.

Như vậy, “Đảm bảo” mang tính chất xác nhận thông tin để làm tăng độ tin cậy. Và chủ thể trong câu chuyện trên cũng là chuyện ba người: “Đối tượng được kiểm toán”, “KTNB” và “Người sử dụng kết quả của KTNB”.

Thế thì hoạt động “đảm bảo” của KTNB cũng giống hoạt động “đảm bảo” của kiểm toán độc lập nhỉ? Ơ, giống đâu mà giống. Hoạt động đảm bảo của KTĐL chủ yếu xoay quanh báo cáo tài chính hoặc các báo cáo khác có liên quan. Còn đảm bảo của KTNB nhiều vô kể. Quay trở lại câu chuyện của ngài chủ tịch HĐQT ở trên thì bạn có thể thấy ngài chủ tịch muốn xác nhận nhiều thông tin lắm. Có thể các thông tin đó là tài chính, kiểm soát, công nghệ thông tin, tuân thủ, hoạt động hay các loại báo cáo tích hợp… Ngài chủ tịch muốn đảm bảo cái gì, KTNB đảm bảo cái đó cho.

Tư vấn: là một loại dịch vụ thỏa thuận giữa KTNB và khách hàng. À mà kiểm toán nội bộ cũng có khách hàng đấy, khách hàng này chính nằm trong nội bộ doanh nghiệp. Khách hàng thì đa dạng rồi, có thể một phòng ban nào đó cũng là khách hàng của KTNB.

Như vậy, KTNB giống KTĐL ở chỗ cũng đi khách kiếm tiền :)) Ví dụ một anh giám đốc công ty thành viên ở Cà Mau (hệ thống tập đoàn có nhiều công ty thành viên trên cả nước) liên hệ KTNB và kể lể rằng ở công ty ảnh bảo nhận thức của nhân viên về kiểm soát còn kém quá. Hay là mời KTNB vào chơi, một là check-in cực Nam của tổ quốc, hai là giúp công ty anh ấy “đào tạo về kiểm soát nội bộ” để nâng cao nhận thức cho nhân viên. Đấy, đào tạo là một ví dụ về dịch vụ tư vấn của KTNB.

Ngoài đào tạo ra, còn nhiều dịch vụ khác như định vị quy trình kinh doanh, chuẩn đối sánh (benchmarking), rà soát phát triển hệ thống, rà soát đo lường kết quả hoạt động

Oài, có vẻ như KTNB cũng làm nhiều thứ nhỉ, tư vấn nhiều cái thế chắc phải giỏi lắm? Đúng rồi, để tư vấn được thì đòi hỏi phải hiểu rõ về đối tượng của cuộc tư vấn. Tuy nhiên, KTNB không phải quý ông biết tuốt, cái gì không biết thì ta thuê bên ngoài vào làm (Outsourcing). Thế thì KTNB thích tư vấn gì cũng được nhỉ? Không đâu nhé, những gì KTNB đươc tư vấn thì phải nêu rõ trong điều lệ KTNB và được phê duyệt nhá. Không phải thích làm gì thì làm, bởi nó có thể ảnh hưởng đến sự độc lập và khách quan mà chúng ta sẽ bàn đến ngay bây giờ.

“Độc lập” và “Khách quan”

Độc lập: Quay trở lại câu chuyện của ngài chủ tịch, để KTNB thực hiện “đảm bảo” cho thông tin thì KTNB phải “độc lập” với đối tượng kiểm toán. Và để duy trì cái sự độc lập này thì KTNB phải “giữ mình” trong mối quan hệ với đối tượng được kiểm toán. Thế là người ta sinh ra cái trò “Dual reporting relationship”, trò này là một dạng báo cáo kép nhưng nôm na nó như thế này:

  • Những vấn đề về chức năng, hoạt động của KTNB thì do HĐQT phê duyệt.
  • Những vấn đề về hành chính, nhân sự… thì do Ban giám đốc quản lý.

Thế nên “Dual reporting relationship” này có nghĩa là mối quan hệ báo cáo kép, cụ thể báo cáo về CHỨC NĂNG đến HĐQT và báo cáo về HÀNH CHÍNH đến BGĐ.

Để duy trì tính độc lập thì ngoài việc báo cáo kép như trên thì KTNB cũng duy trì một số hoạt động khác để làm tăng tính độc lập. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì tìm tài liệu đọc thêm nhá :3

Khách quan: khách quan tức là KTNB khi thực hiện kiểm toán thì KTNB không có định kiến này, không có xung đột lợi ích này, hay tóm lại là cái gì đấy làm ảnh hưởng chệch hướng đến nhận định của KTNB. Thế quay trở lại dịch vụ tư vấn ở trên, giả sử bên quản lý mời KTNB làm chủ thầu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ vì KTNB có đầy đủ kiến thức để làm cái này. Thế thì xây dựng xong, sau này lại đi kiểm toán “chính nó” thì chẳng khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi nhể. Vì vậy, KTNB phải tránh những xung đột có thể xảy ra. Anh rất tốt nhưng mà em rất tiếc không thể giúp anh được rồi, em chỉ có thể giúp anh đánh giá cái hệ thống này thôi chứ không “xây” nó đâu :3

Ơ mà nói thế thì một nhân sự trước làm bên quản lý thì đời này kiếp này không được sang làm KTNB à? À sang được chứ, nếu mà sau một khoảng thời gian (một vài năm) không còn phụ trách hoạt động đấy nữa thì có thể kiểm toán nó nhá. Con đường nghề nghiệp vẫn chào đón bạn 😀

Chốt

Còn một số phần trong định nghĩa về KTNB mà mình chưa viết tiếp, sẽ để dành cho phần sau. Tuy nhiên với phân tích như trên có thể giúp các bạn phần nào hiểu rõ hơn về kiểm toán nội bộ và các dịch vụ mà KTNB cung cấp. Có thể nói, làm được KTNB đòi hỏi có kiến thức về tất cả các mảng trong doanh nghiệp và chuyện này cũng không phải dễ chút nào phải không?

by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)

=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương:  https://truongducthang.com/courses/

7 thoughts on ““Kiểm toán nội bộ” là gì?

  1. Anh ơi hiện e là sv , cũng đã quyết theo ktnb thì ra trường em nên xin vào kiẻm độc lập hay kiểm nội bộ anh nhỉ. Em ở tphcm cũng có google về công việc ktnb cho sv mới ra trường. Kết quả là không có hoạc hiếm lắm anh ơi, có cũng có nhưng toàn là yêu cầu trường phòng … Có chuyên viên thì cũng 2 năm kinh nghiệm. Cũng còn 1 năm ra trường rồi mà e vẫn dịnh dược ra sẽ làm cho công ty nào, k biét công ty nào có he thông ktnb tốt. Không lẽ e phải làm ở ktdl 2-3 năm r nhảy qua ktnb sau @@. Cảm ơn anh đã đọc .

    Like

    1. Chào em,
      Nếu được thì em nên thi vào KTNB luôn nhé. Tuy nhiên, KTNB ít khi tuyển sinh viên mới ra trường nên đòi hỏi em phải cất công tìm hiểu hơn. Ngoài ra, các vị trí này cũng có thể họ không thông báo public trên các phương tiện tuyển dụng. Vì vậy, nếu có giới thiệu sẽ thuận lợi hơn. Nếu chưa tìm được chỗ làm KTNB ngay thì em có thể chọn một bước đệm là:
      – Làm kiểm toán độc lập
      – Làm kiểm soát nội bộ
      Sau đó, khi có kinh nghiệm rồi em có thể chuyển sang kiểm toán nội bộ nhé.
      Còn để biết nơi nào có KTNB, chắc em cần tìm hiểu thêm và đặc biệt là hỏi các anh chị đang làm tại những nơi như vậy em nhé 😉

      Like

  2. Dạ chào anh cảm ơn anh da tra loi.
    :)) *giới thiệu*là COCC dó ha anh :)). Nếu có 1 bank nhỏ về ktnb và ktdl trong big4 thì minh nên theo bank nhỏ ktnb sẽ tốt hơn không. Vì em thấy ktnb ở Việt Nam còn mới quá nên cũng muôn cố gắng tìm 1 nơi de học hỏi.
    Anh cho em hỏi luôn là ktnb và kiêm soát nội bộ khác nhau em cứ tưởng nó là 1 :p
    Cảm ơn anh.

    Like

    1. Hi em,
      Việc lựa chọn theo bên nào là tùy vào định hướng cũng như sự tìm hiểu của em. Ngay cả bank nhỏ thì kiểm toán nội bộ giữa các bank cũng có sự khác biệt nhau nên em cần tìm hiểu thêm xem công việc ở đấy là làm gì.

      Về sự khác nhau giữa kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ thì anh sẽ có bài viết sau nhá 😀

      Like

  3. Mình muốn học về kiểm toán nội bộ thì bắt đầu như thế nào, mình thấy có phần xem lại bài giảng nếu xem mà ko hiểu thỉ phải làm sao?

    Like

  4. Em chào anh, e trc đây từng thực tập tại big4 và làm nhân viên chính thức đc 4 tháng thì cảm thấy ko phù hợp với kiểm toán độc lập nên e đã xin nghỉ. Gần đây có 1 cty về tài chính tín chấp( dc một quỹ nước ngoài đầu tư) offer e làm nhân viên kiểm toán nội bộ. Em đang băn khoăn nếu e làm ktnb ngay thì sẽ có lợi thế j so với những bạn làm ở big 1 tgian sau đó chuyển hướng. Và lộ trình, cơ hội nghề nghiệp của 1 người làm ktnb ntn hả a. Hiện tại e cx đã học xong 9 môn F Acca.

    Like

Leave a comment