Sinh viên năm nhất có nên học ACCA?

Đây là câu hỏi mà mình hay nhận được nên hôm nay sẽ dành một bài trên blog để chia sẻ. Mình không viết gì nhiều, chỉ kể về 3 câu chuyện:

Đầu tiên, là câu chuyện đi học ACCA của mình. Bản thân mình bắt đầu học chương trình FIA khi là sinh viên năm 3. Trước đấy, mình đã tìm hiểu ACCA từ năm 2. Và thời điểm mình tìm hiểu đấy là cách đây khoảng 10 năm các bạn ạ. Như vậy, từ 10 năm trước, một cậu sinh viên đã bắt đầu tìm hiểu và học ACCA thì không có lý do gì thế hệ sinh viên của 10 năm sau vẫn còn băn khoăn lúc nào học ACCA.

Với mình, nếu như hai năm đầu đại học không rõ mục tiêu, chí hướng thì từ khi bắt đầu đi học ACCA đã tiếp xúc với môi trường rất mới, từ đó bản thân cũng có những định hướng rõ hơn trong tương lai. Rồi theo đó, cứ từng bước, từng bước rồi đến mình của hiện tại bây giờ. Khi bắt đầu tìm hiểu về ACCA, mình định hướng rõ hơn về tương lai của mình và biết rằng có rất nhiều người giỏi và họ không ngừng học tập. Như vậy, nếu mình cũng “không chịu đi” thì ngày càng kém xa họ. Với mình, bắt đầu học khi còn là sinh viên năm 3, mình đã cảm thấy rất muộn rồi. Lúc đó, trong lớp mình đa số là những bạn đang học năm 2 nữa.

Thế nên, nếu thời gian có quay trở lại thì chắc chắn mình sẽ quyết định học ACCA ngay từ năm thứ nhất. Để bớt đi những đêm thức xem phim vì chẳng biết làm gì, để bớt đi những thời gian rảnh rỗi đi chơi game, để bớt đi việc lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ… Nếu bắt đầu sớm hơn, có lẽ mình đã bước đi được xa hơn nữa.

Câu chuyện thứ hai là về Thảo Vũ, một học viên lớp Financial Accounting Basics của mình. Bây giờ Thảo Vũ đã hoàn thành CFAB và đang làm việc cho một công ty kiểm toán lớn tại Malaysia.

Lúc đó sau khi giảng ở một trung tâm, mình về đã kết hợp các môn học FA1 + FA2 + F3 để tạo ra khóa Financial Accounting Basics và mở lớp riêng để dạy. Lớp đầu tiên ấy rất đông và có hai bạn sinh viên năm nhất theo học, một trong số đó là Thảo Vũ. Tại thời điểm đó, chắc Thảo Vũ không có nhiều định hướng rõ ràng mà chỉ biết là có thầy giáo đẹp trai nên theo học (just kidding :))). Khi tham gia lớp học, được tiếp xúc với các kiến thức mới và các định hướng mới, Thảo Vũ đã tìm hiểu và sau khóa học đã quyết định học CFAB do nhận được học bổng. Sau đó, Thảo Vũ đã hoàn thành CFAB trong vòng 1 năm. Và đến năm 4 (có nghĩa là sau hơn 3 năm khổ luyện học tập rèn luyện đủ các kiểu) thì trong khi các bạn khác chật vật tìm chỗ thực tập, Thảo Vũ đã được offer sang thực tập tại một công ty kiểm toán tại Malaysia. Và sau đó, bạn ấy đã được nhận vào làm chính thức tại đây.

IMG_3558.jpg

Ảnh ở trên là mình chụp cho bạn ấy khi bạn ấy ghé thăm “thầy giáo cũ” ở Đà Nẵng. Chia sẻ với mình thì mục tiêu sắp tới, bạn ấy sẽ hoàn thành ACA (không phải ACCA nhá) và làm việc tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới.

Vậy đấy, được định hướng sớm nên bạn ấy “đi xa quá” và “xịn quá”, hơn cả thầy giáo của bạn ấy luôn.

Câu chuyện thứ ba là về Cường Phạm, cũng là một bạn học viên lớp Financial Accounting Basics của mình. Cường Phạm đã đạt Prize Winner (điểm thi cao nhất – mình là thầy giáo của bạn ấy nhưng chưa đạt Prize Winner lần nào cả) của một môn trong ACCA và hiện vẫn đang nỗ lực hoàn thành ACCA.

Cường Phạm học ĐH Kinh tế Quốc dân, lúc đó mình mở lớp ở Học viện Tài chính nhưng Cường Phạm nằng nặc đòi sang học. Qua trao đổi, mình cũng tư vấn bạn ấy nên chọn lớp học gần hơn vì khoảng cách khá xa và đi lại vất vả (tầm 15km). Tuy nhiên, bạn ấy cứ đòi học mình. Lúc đó mình nghĩ là bạn ấy đi học vài hôm, thấy vất vả rồi cũng sẽ nghỉ thôi. Tuy nhiên, mình đã sai khi bạn ấy học hành rất chăm chỉ và chịu khó hỏi thầy giáo. Mặc dù đã học xong khóa học từ… vài năm trước nhưng thỉnh thoảng bạn ấy vẫn inbox để nhờ giải đáp một số vấn đề cũng như giúp bạn ấy định hướng về con đường đi.

Hiện tại, bạn ấy đang là sinh viên năm 4, và mình tin chắc rằng với những gì bạn ấy đã chuẩn bị từ năm nhất thì bây giờ bạn ấy đã rất tự tin để tự tay mở rộng con đường nghề nghiệp cho chính mình. Khi mình viết bài này thì Cường Phạm đã báo tin bạn ấy đỗ thực tập tại Big4. Trao đổi với mình, Cường Phạm cũng muốn học để lấy chứng chỉ CIA về kiểm toán nội bộ.

Ba câu chuyện ở trên, từ bản thân mình và từ hai học viên của mình, mình muốn nhấn mạnh là nếu có sự chuẩn bị SỚM thì sẽ càng có cơ hội đi xa hơn nữa. Đừng cho rằng ACCA vượt sức với sinh viên năm nhất, thực tế rất nhiều bạn đã học và gặt hái thành công. Công nhận là ACCA sẽ khó, nhưng nếu nói nó khó quá không đạt được thì chỉ là cách giải thích lẩn tránh cho sự chưa nỗ lực hết mình của bản thân thôi.

Mình khuyên các bạn sinh viên năm nhất, nên tìm hiểu và bắt đầu học tập luôn. Còn các bạn có thể bắt đầu với bất kỳ chứng chỉ nào đó, không nhất thiết phải là ACCA. Hoặc các bạn bắt đầu với ACCA nhưng rẽ sang các hướng khác phù hợp. Điều quan trọng nhất là phải bắt tay vào làm ngay thì mới biết các bước tiếp theo đi về đâu. Còn cứ mãi trăn trở có nên làm hay không thì nên nhớ là bạn đang đứng yên còn người khác thì đang bước tiếp.

by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)

=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương:  https://truongducthang.com/courses/

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s