TÔI LÀM GÌ KHI ÔN THI?
Sinh nhật năm nay cảm thấy “nhẹ nhàng”, có gì khác so với thường lệ thì phải. Mọi năm vào đợt này xơ xác và tàn tạ bởi ôn thi ACCA. Kỳ này năm ngoái chiến hai môn F6 và F9, năm nay chả thi môn nào thấy cuộc đời như thiếu đi một cái gì đấy “quen thuộc”. Trong lúc “rảnh rỗi” này cũng nhận được một số câu hỏi về chuyện vừa đảm bảo thi cử ở trường, vừa thực hiện các công việc khác làm sao cho tốt, chợt nhớ lại xem các đợt ôn thi mình đã sắp xếp thời gian như thế nào nhỉ?
Mình viết hơi dài nên mong các bạn thông cảm. Tuy nhiên cả sự nghiệp ôn thi thì viết như thế này vẫn quá ngắn :))
CẢNH BÁO: Phương pháp thì nó phù hợp với người này mà không phù hợp với người khác nên mọi thứ chỉ là tham khảo.
THỜI SINH VIÊN
Sinh viên thì mình cũng vừa học ở trường vừa học CAT. Nhớ đợt Dec 2009 mình có lịch thi môn T6 (Drafting financial statements) là môn đầu tiên phải thi VIẾT và môn Kế toán quản trị trong 2 ngày liên tiếp. Mà ở cái thời của mình còn thi một lúc tầm chục môn (cả kỳ thi một đợt) chứ không nhẹ nhàng 2 đợt thi/kỳ như bây giờ. Lúc đấy mình đã làm rất tốt với điểm số 92/100 marks cho môn T6 và điểm 10/10 với môn Kế toán quản trị. Vậy mình đã làm thế nào?
Do đã xác định trước cái quãng thời gian kinh khủng nên sự chuẩn bị cũng được thực hiện dần, nhưng dường như ai cũng có một thói quen là nước đến chân mới nhảy nên sự chuẩn bị của mình cũng chỉ “tương đối” thôi.
Đối với CAT thì lên kế hoạch “cắt” bớt thời gian ôn thi ở trên trường để “mỗi ngày một ít” ôn luyện. Theo kinh nghiệm thì mỗi môn CAT cần 01 tuần tập trung ôn luyện để có thể đạt kết quả tốt. Trong khi vừa thi trên trường vừa ôn CAT thì buộc phải rải ra cho đủ thời gian 1 tuần để làm các công việc:
– Đọc lướt lại Text book để nắm tổng quát.
– Làm bài tập trong Revision Kit, I-pass chỗ nào hổng thì giở Text book đọc lại.
– Làm đề thi cũ (Past exam) theo tâm lý phòng thi (under exam condition), tự chấm điểm rồi sau đấy xem đáp án giải đề.
Đối với các môn học ở trên trường thì thường sẽ có khoảng 3-4 ngày để ôn thi, một số trường hợp có 2 ngày để ôn thi, các môn nặng hơn thì có 5 ngày. Để có kỳ ôn thi hiệu quả trong khi vẫn phải sắp xếp ôn thi thì buộc phải có kế hoạch ôn thi cụ thể. Về phương pháp học thì mình đã có chia sẻ tại:http://goo.gl/a1sp0P nên giờ mình chia sẻ về cách phân bổ thời gian thế nào:
– Đối với các môn học thuộc (ví dụ có khoảng 3 ngày ôn thi)
+ Ngày đầu sẽ dành để học một lượt các câu trong đề cương với mục tiêu: học thuộc định nghĩa, nhớ ý chính.
+ Ngày thứ 2 bắt đầu luyện nhớ lại ý (thường là kết thúc ngày đầu không nhớ được nhiều) bằng cách đọc câu hỏi xong ngồi vạch ra giấy các ý trả lời theo một kiểu đại loại như mind map (thời đấy mình chả biết mind map là cái gì). Sau đấy, giở sách vở ra kiểm tra lại xem có thiếu ý gì ko? Nếu thiếu thì “phang” bằng bút đỏ vào cho nó nổi bật và ngồi đọc lại câu đấy. Sau đấy đọc lại các phần mình đã làm và chú ý các phần được “phang” bằng bút đỏ. Cái gì ấn tượng cũng dễ nhớ như đi ngoài đường tự nhiên gặp một em xinh nhìn mình cười vậy (ngày xưa đi thi nhớ phần bút đỏ mà thỉnh thoảng quên phần bình thường :)) Như vậy ngày thứ hai có thể tua được 02 lần ôn lại toàn bộ đề cương: sáng 1 lần, chiều 1 lần, tối ôn CAT.
+ Ngày thứ 3: tua thêm một lần giống ngày thứ 2 nhưng có thêm phần tư duy phân tích thêm ý hoặc thêm ví dụ, số liệu minh họa. Tóm lại là khi đã đạt mục tiêu về cách trả lời đơn thuần các câu trong đề cương rồi thì “vẽ vời” thêm cho câu trả lời để nó trở nên “đặc biệt hơn” trong mắt người chấm thi (tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công :)) ). Công việc này làm trong buổi sáng, buổi chiều thường thì mình sẽ ngồi trao đổi thêm với bạn bè theo dạng học nhóm, nhóm 2 người với một bạn nữ xinh mà học giỏi càng tốt :))
Như vậy xong 3 ngày là xử lý xong môn học thuộc. Đối với các môn có khối lượng nhiều hơn thì phân bổ thời gian phù hợp hơn.
– Đối với các môn có bài tập:
+ Yêu cầu từ trước khi thi là phải nắm được các dạng bài tập rồi. Nghĩa là từ trong quá trình học phải chịu khó làm bài tập. Còn đến lúc thi mới “chịu” ôn các dạng bài thì vô phương cứu chữa vì thời gian không cho phép để ngồi tỉ mẩn làm hết các bài tập.
+ Phần lý thuyết thì áp dụng nguyên tắc giống như các môn học thuộc ở trên. Thời gian sẽ chỉ mất tầm 0,5 – 1 ngày để tua đến khoảng 2-3 lần tùy vào khối lượng lý thuyết.
+ Phần bài tập thì thực hiện ngồi “xem lại” các dạng bài tập theo cách đọc đề trong sách bài tập rồi nhớ lại phương pháp giải và ngồi “giải nháp” cực nhanh để ra đáp số với mục tiêu là nhớ được phương pháp giải. (Giải nháp tức là chủ yếu ghi số và lời giải theo kiểu tốc ký, sơ đồ chứ không trình bày cả công thức, lời giải… ). Đương nhiên là chỗ nào sai lại “phang” bút đỏ vào cho nhớ. Và bao giờ cũng thế, làm một lần không thể nhớ ngay được, nên tua lại khoảng 2-3 lần. Thời gian này chiếm khoảng 1 – 1,5 ngày.
+ Thời gian còn lại tập trung vào giải đề thi cũ và nguyên tắc là đụng vào phần nào chưa chắc cần xem lại giáo trình ngay. Việc đan xen giữa ôn lại phần lý thuyết cũng được kết hợp thực hiện ở trong phần này.
Nói chung trên đây chỉ là tham khảo, việc áp dụng và phân bổ tùy thuộc vào từng môn học. Ví dụ môn kế toán tài chính thì mình dùng nhiều thời gian để ôn luyện sơ đồ hạch toán (ngồi vẽ đi vẽ lại cả trăm cái sơ đồ vì nó là gốc).
Tuy nhiên, cho dù có là môn học nào thì cũng đòi hỏi phải có KẾ HOẠCH ÔN THI và phân bổ một cách hợp lý. Và điều quan trọng hơn cả KẾ HOẠCH là tinh thần NGHIÊM TÚC thực hiện. Thời đấy chưa có phong trào thanh niên nghiêm túc như năm 2013 nhưng có rất nhiều sinh viên nghiêm túc 😀Và để nghiêm túc được thì chúng ta phải nghiêm khắc và tạo ra KỶ LUẬT cho bản thân. Thời gian đó mình đã tạo kỷ luật thế nào nhỉ?
– Thời gian học bài chia làm 03 ca rõ ràng:
+ Sáng: dậy khoảng 7h sáng, học từ khoảng 7h30-11h, 11h30;
+ Chiều từ 14h – 16h30, 17h; (Chú ý phải có thời gian ngủ trưa tầm 30p – 1 tiếng thì mới có sức để chiều chiến đấu tiếp)
+ Tối từ 19h – 22h, 22h30 và đi ngủ tầm 11h, 11h30.
– Tuyệt đối tránh xa các yếu tố gây mất tập trung:
+ Không sử dụng điện thoại. Mà ngày xưa điện thoại chỉ để nhắn tin chứ không có online như bây giờ nên các bạn ôn thi thì tốt nhất là tắt nguồn đi.
+ Không sử dụng máy vi tính trong giờ học bài. Tâm lý nghỉ “giải lao” bằng cách sử dụng điện thoại hay bật máy tính cần phải “CẤM” bởi nó luôn là yếu tố làm cho chúng ta có cơ hội “lười” mà mỗi lần đụng đến là ngốn thời gian kinh khủng.
+ Ngày xưa mình thích chơi guitar, cứ một lúc lại chơi guitar (do hát hay quá nên mỗi lần hát là phải tầm chục bài :)) – mà chục bài thì mất cả tiếng rồi). Đến kỳ thi quyết định cho mượn đàn, có đợt không ai mượn thì cắt sạch móng tay để không gảy được đàn. Nếu các bạn có “sở thích” tương tự thì tìm cách mà tạm thời tống khứ nó đi.
+ Chọn môi trường học tập phù hợp. Nói chung xung quanh ta có những người nghiêm túc thì mình cũng phải nghiêm túc theo. Mình mà muốn nghiêm túc mà xung quanh không nghiêm túc thì phải tìm chỗ nghiêm túc mà học. Đang ngồi học bài mà đứa bạn cùng phòng ngồi chơi điện tử hay xem phim thì đố mà học được đấy :))
+ Trong thời gian ôn thi cần “bế quan tỏa cảng” từ chối mọi lời cám dỗ đến từ bạn bè. Một ngày chỉ có duy trì khung thời gian như ở trên thôi. Đan xen những thứ khác vào thì rất khó có thể đảm bảo thực hiện được kế hoạch học tập. (còn người yêu thì cũng cân đối cho phù hợp, rủ nhau mà học :)) ) Chỉ một cái tặc lưỡi hay xả hơi đi chơi thôi là ngốn cả đống thời gian rồi.
+ Tâm lý “xả hơi” sau khi thi xong bằng việc đi chơi với bạn bè (tạm chấp nhận) hoặc cày đêm xem phim thực ra sẽ làm cho tâm lý ôn thi bị “trùng” xuống. Thường thì vào đầu kỳ thi chúng ta phải mất một thời gian để vào guồng tức là làm quen với nhịp sinh hoạt của kỳ thi. Việc xả hơi quá đà đôi khi làm phá vỡ tính kỷ luật vốn mới được thiết lập mà còn yếu. Việc kết thúc mỗi môn thi đi ăn chè tán gẫu cùng bạn bè rồi lại quay trở lại khởi động môn tiếp theo là hợp lý để giữ vững kỷ luật.
Tóm lại là chơi cả năm rồi, đến kỳ thi chịu khó chút có sao đâu. Mình ngày xưa vào kỳ thi gọi điện về quê cho ông, ông toàn bảo là cứ chịu khó tập trung ôn thi rồi thi xong về chơi với ông sau. Cả nhà đều kỳ vọng mà cố mỗi việc học với thi thì phải làm cho ngon lành chứ!
THỜI ĐI LÀM
Đi làm rồi thì môi trường và lịch sinh hoạt thay đổi hoàn toàn. Nhưng với tinh thần kỷ luật và tính cẩn thận cộng với tinh thần chịu khó học hỏi đã giúp mình rất nhiều trong công việc. Trong thời gian đi làm thì một ngày làm việc 9-10 tiếng là chuyện bình thường. Mỗi lần nhận việc sếp giao là như nhận một “đề thi” mà đề thi thì có lúc “dạng cũ” nghĩa là đã gặp rồi nhưng có lúc nó là “dạng mới”. Mỗi lần đi job là kinh khủng với tần suất 12-15 tiếng/ngày. Thế nên mỗi đợt thi ACCA đề “tuyệt vời” vì đợt nào cũng có job vào đợt ôn thi. Mà đặc điểm công việc của mình là không xin leave được quá nhiều, chỉ được 1 – 2 ngày nghỉ.
Như vậy việc vừa cân đối giữa công việc + học ACCA + gia đình + bạn bè… là một điều vô cùng khó khăn.
Việc áp dụng KẾ HOẠCH và KỶ LUẬT và buộc phải giảm CHẤT LƯỢNG của học tập để có thể đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố. Đây là giai đoạn KỶ LUẬT có thể được giữ vững nhưng KẾ HOẠCH thì luôn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác. Ví dụ công việc được giao không hoàn thành thì sẽ ảnh hưởng đến thời gian ôn thi hay cả ngày làm việc mệt nhọc rồi nhìn vào sách là thấy buồn ngủ – điều tất yếu thôi. Điều này cũng giống như món bảo bối “Bộ máy hoàn thiện” trong Doreamon, bộ máy dùng để cân bằng về sự thông minh, sắc đẹp, sức khỏe mà mỗi khi tăng một thứ lên thì hai thứ kia sẽ bị giảm xuống. Nếu điều chỉnh một cách phù hợp thì sẽ đảm bảo hài hòa các yếu tố ấy. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phù hợp ấy thì đòi hỏi sự nỗ lực và ý thức ở bản thân rất nhiều vì khi đã đi làm rồi thì sẽ bị nhiều yếu tố chi phối hơn so với thời sinh viên và việc thi cử cũng dễ tặc lưỡi cho qua hơn với tâm lý không được thì đợt sau thi lại. Thế nên nhiều anh chị học ACCA thi trượt với lý do chính là không có nhiều thời gian để ôn thi chứ ACCA cũng không phải quá khó ^^! Thế nên trong quá trình đi làm thường áp dụng cách ôn thi sau:
– Báo cáo sếp để xin lịch nghỉ ôn thi. Thực tế là sếp luôn tạo điều kiện nhưng cũng chỉ được 1-2 ngày chứ không thoải mái như các công ty kiểm toán độc lập có thể xin leave được cả tuần hoặc nửa tháng. Được cái là công việc được giao có thể “nhẹ” hơn chút.
– Xây dựng kế hoạch ôn thi, thực tế xây dựng cho vui thế thôi chứ thường thì cách trước khi thi khoảng 2 tuần mới xong job để có thể vừa làm các công việc văn phòng vừa ôn thi.
– Tranh thủ mọi thời gian để ôn thi:
+ Đến công ty sớm hơn một chút và ngồi học bài.
+ Trong lúc chờ sếp review công việc lấy sách ra ngắm nghía.
+ Sau khi hoàn thành công việc vào cuối ngày thì ở lại công ty ngồi học bài.
+ Về nhà rồi ăn cơm xong ngồi ngâm cứu Textbook cho đến khi lăn quay ra ngủ.
– Đối với các môn ACCA mình phân bổ thời gian tự học cho các mục sau:
+ Đọc một lượt Textbook để nắm nội dung chính.
+ Làm Revision Kit để nắm được các dạng bài tập và cách giải. Tuy nhiên thực tế làm Revision Kit rất tốn thời gian và hầu hết mình chỉ chọn lọc bài để làm còn các bài khác chỉ “đọc”.
+ Xem lại Revision kit với những bài cần lưu ý (mình thường note ngay trong Revision kit).
+ Làm Past exam nhiều nhất có thể.
Về cơ bản là ôn thi cho một môn ACCA cần làm theo 04 bước ấy là có thể pass với điểm số cao. Tuy nhiên do thời gian khi đã đi làm là “bị động” nên chuyện không kịp ôn thi là bình thường. Trong các môn đã thi thì đặc biệt nhất là môn F7 mình còn chả ghi chữ nào, thời gian không có nên cứ ngồi đọc cả Textbook lẫn Revision Kit lấy bút chì vạch ngay trong sách rồi đi thi. Đến nỗi đi thi đọc đề xong ngồi bần thần vì chẳng nhớ được format của cái Cash Flow như thế nào :)) Môn này tưởng FAIL nhưng vấn PASS được với điểm số cũng trên 60 ^^
Nói chung khi đã đi làm thì quỹ thời gian eo hẹp, gọi là thế chứ thời gian vẫn một ngày 24 tiếng nhưng phải chia cho nhiều vấn đề hơn so với thời sinh viên nhưng rất nhiều anh chị đang nỗ lực để học tập bởi khi đi làm để làm tốt công việc, để đạt được đến những vị trí cao hơn hay để có thể tự mình mở công ty… thì phải học rất nhiều vì họ thấy mình thiếu:
– Thiếu kiến thức nghiệp vụ;
– Thiếu kỹ năng tin học;
– Thiếu tiếng Anh nói chung và đặc biệt về CHUYÊN NGÀNH, mình hay nói vui khi đọc quảng cáo của một số trung tâm đưa ra nhiều viễn tưởng về việc nói tốt tiếng Anh rằng: không ai tuyển một kế toán vào chỉ để đứng giữa phòng và nói tiếng Anh cả. Đơn thuần là đối với tiếng Việt để nghiên cứu về nghiệp vụ đã rất vất vả rồi, có tiếng Anh cũng chủ yếu có ngôn ngữ còn kiến thức nghiệp vụ bằng tiếng Anh cũng không tự nhiên có được.
– Thiếu các kỹ năng mềm như: giao tiếp (bằng tiếng Việt), kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thuyết trình…
– Thiếu cả những phong cách làm việc, thiếu sự cẩn thận và tầm nhìn trong công việc
…
Thế nên chuyện học hành thời sinh viên vẫn thoải mái chán so với thời gian khi đi làm. Bởi các anh chị đi làm vẫn đang phải học tập ngoài giờ làm việc để hoàn thiện bản thân.
Khi mà nhà tuyển dụng sẽ chọn các ứng viên đáp ứng được nhiều nhất các yêu cầu của họ thì việc bạn sắp xếp và cân đối để làm sao đấy trong cùng một thời gian có thể đạt được nhiều nhất các tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng cần. Nếu quỹ thời gian ấy bạn sử dụng không hiệu quả, đồng nghĩa với việc người khác sử dụng hiệu quả thì họ xứng đáng có được những công việc như ý của họ khi ra trường.
Bản thân mình đã nhờ những đợt thi dồn dập, các công việc xen kẽ thi cử mà được rèn luyện và đạt được nhiều kết quả cùng một lúc bởi trong học tập nếu có sự gián đoạn thì sẽ phải mất một giai đoạn để “làm quen lại”, cho dù không phải làm quen lại từ đầu nhưng mà nó cũng gần như thế. Như vậy khi thời gian để đạt một mục tiêu bị “kéo dài” đồng nghĩa với việc bước đi bị chậm hơn so với những bạn có ý thức và sự nỗ lực tốt hơn. Vì vậy, các học viên của mình ở BST vẫn học tập trong giai đoạn thi ở trường, mình hiểu các bạn sẽ có thêm áp lực bởi mình cũng đã trải qua những cảm giác ấy và không phải riêng mình mà còn có nhiều bạn sinh viên đang học FIA, ACCA cũng đang có ĐỢT THI (thi chứ không phải học đâu nhé) trùng với đợt thi ở trường và họ vẫn làm tốt. Chúng ta được rèn luyện sớm ngày nào thì sau này chúng ta sẽ trưởng thành sớm hơn ngày ấy.
Khi chúng ta khởi đầu chậm hơn thì buộc chúng ta phải bước nhanh hơn và khi đi nhanh hơn chúng ta có thể đến nhiều đích hơn trong cùng một khoảng thời gian!
Bài viết này do mình – Trương Đức Thắng (ACCA, CIA)- Founder của BST viết mang tính chất chia sẻ và “ĐỊNH HƯỚNG” và những vấn đề mình viết đều dựa trên các kinh nghiệm của mình trong quá trình học tập tại HVTC cũng như học CAT, ACCA. Bản thân mình cũng đã đạt các thành tích nhất định (bằng Giỏi HVTC, đã học xong hết các môn F của ACCA và chưa fail môn nào) nên có thể cam kết các chia sẻ của mình có hiệu quả nhất định. Hiện tại mình cũng đang vừa điều hành BST, vừa dạy các lớp học tiếng Anh kế toán kiểm toán tại BST, vừa dạy CAT, vừa duy trì học tập ACCA cũng như nghiên cứu về nghiệp vụ chuyên sâu và đương nhiên mình cũng không phải người quá ham công tiếc việc bởi luôn tham gia các hoạt động và cũng luôn có các chuyến đi du lịch. Mình cũng sẽ sắp xếp thời gian để viết cách chia sẻ cụ thể hơn về kiểm soát các công việc đan xen nhau như thế nào để đảm bảo thực hiện được nhiều việc một cách hiệu quả.
Vì bài viết gắn với mình nên các bạn có thể share nhưng chú ý GHI RÕ NGUỒN và nếu sử dụng vào mục đích khác xin vui lòng trao đổi thêm với mình.
Chúc các bạn đọc xong có thể định hướng rõ thêm về cách thức sắp xếp thời gian để có thể đảm bảo các yếu tố học tập tại trường, học thêm tiếng Anh, tin học hay các mục tiêu khác trong cùng một thời gian.
by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)
=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/courses/