Một tuần để tự học và ôn ACCA – không gì là không thể
Cảnh báo: đây chỉ là những chia sẻ từ thực tế bản thân khi không có thời gian và nước đến mông mới nhảy. Mình vẫn khuyến khích các bạn có lộ trình học và ôn tập phù hợp để đạt kết quả cao nhất. Ai làm theo, trượt ráng chịu :))
Trước hết phải nói qua một chút thì đây là nguyên tắc mình đã áp dụng và thành công với các 5 môn P của ACCA. Trong năm 2014 mình đã hoàn thành toàn bộ các môn P với:
– Thời gian học và ôn trung bình khoảng 1 tuần/môn.
– Điểm thi trung bình khoảng 56/môn.
– Mỗi kỳ mình thi 3 môn (năm 2014 chỉ có 2 kỳ thi/năm). Sở dĩ có 5 môn mà thi đến 6 lần vì có môn P3 thi 2 lần :p
– Tổng số sách đọc trung bình 2 quyển/môn x 3 môn = 6 quyển/tháng (cả lecture notes thì khoảng 3,000 trang).
Việc có một kế hoạch hoàn hảo để học và ôn thi với giai đoạn học tầm 2-3 tháng/môn và giai đoạn ôn tầm 1 tuần/môn. Tuy nhiên, thực tế bản thân mình thì các công việc đột xuất đã “ăn” hết thời gian và buộc phải “xơi” mỗi môn trong vòng 1 tuần. Một tuần ở đây có nghĩa là bạn dành toàn bộ thời gian để ôn thi, không phải đi làm nhé. Thực tế vào các kỳ thi thì ban ngày mình rảnh nhưng tối vẫn phải dạy học tầm 3 tiếng :v
Kỳ June 2014, mình dự kiến có 2 tháng (tháng 4 & 5) để ôn 3 môn P1 P2 và P3. Tuy nhiên, lúc mình canh vé giá rẻ để đi chơi thì đã quên khuấy mất là phải ôn thi nên book lịch bay vào đầu tháng 4 (đi TP HCM) và cuối tháng 4 (đi Thái Lan). Do còn công việc kinh doanh nữa, nên tóm lại trong tháng 4 mình không ôn được ngày nào. Sang đầu tháng 5 mới thực hiện ôn thì môn P1 có quá nhiều thứ khó nhằn (từ mới, kiến thức trừu tượng) nên chiếm mất gần 3 tuần ôn. Quả thực lúc đấy mới bước từ F lên P nên bị choáng vì kiến thức của P nó nằm ở đẳng cấp khác. Còn lại khoảng 1 tuần mình ôn môn P2. Sau khi ôn xong P1, P2 thì còn 1,5 ngày để ôn P3 rồi đi thi (3 môn thi liên tục gần ngày nhau). Kết quả: Pass 2 môn P1 (59 marks), P2 (51 marks) và trượt môn P3 (38 marks).
Kỳ Dec 2014, mình cũng dự kiến ôn thi vào 2 tháng 10 & 11. Tuy nhiên, thực tế cả tháng 10 không ôn được, thậm chí còn sang tháng 11 đó là: Chụp ảnh kỷ yếu. Lúc đấy, hầu như ngày nào cũng sang trường chụp kỷ yếu, thời gian còn lại thì còn phải làm việc vừa dạy học và vừa điều hành tình hình kinh doanh bết bát của BST. Có thể nói 2014 là năm kinh khủng khi phải căng mình chạy các lớp chuyên ngành để bù lỗ cho các lớp tiếng Anh :3Như vậy, điệp khúc quay lại là chỉ còn khoảng hơn 2 tuần với 3 môn P3 P4 và P7. Lúc này mình lại ưu tiên học P4 và P7, mỗi môn tầm 1 tuần. Còn lại khoảng 2 ngày trước khi thi P7 mình học P3. May sao thi P4 và P7 liền nhau xong thì còn khoảng 3 ngày mình luyện nốt P3. Kết quả: Pass cả 3 môn và hoàn thành ACCA với P3 (60 marks), P4 (55 marks) và P7 (56 marks).
Còn cụ thể, cách thức mình học như sau:
1. Dụng cụ: tài liệu học + bút đỏ.
2. Tổng hợp tài liệu ôn thi: thực ra mình chỉ dùng các nguồn: sách BPP, Lecture notes trên OpenTuition và Videos trên Youtube.
3. Phương pháp: đọc lướt Textbook trong khoảng 2 ngày. Lý thuyết lướt nhanh, khi gặp ví dụ thì dừng lại đọc để HIỂU. Khâu hiểu ví dụ trong Textbook rất quan trọng để có thể hiểu Revision kit.
4. Làm Revision kit: đọc đề thì mình lấy bút đỏ gạch chân các thông tin cần thiết để lấy ý làm bài. Sau khi đọc xong thì Brainstorming, mình thử brainstorm nhưng chả nghĩ ra cái quái gì cả nên mở luôn phần đáp án ra để xem. Nhược điểm của sách BPP là đáp án viết giải thích rất dài dòng và lê thê. Mình lại lấy bút đỏ để gạch chân các ý chính. Sau khi lướt xong thì xem lại đề và hình dung lại cách xử lý bài. Với cách này, một ngày có thể đọc được 20-30 bài tùy môn.
5. Sau khi xong Revision kit rồi thì lại làm quay lại từ đầu. Tuy nhiên, tốc độ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Lúc này do đề đã đọc rồi nên xem lại là hiểu đề luôn, phần còn lại là hình dung lại các bước sẽ thực hiện để xử lý đề như thế nào.
6. Vai trò của bút đỏ: với mình, cây bút đỏ có vai trò rất quan trọng trong việc note những phần cần chú ý để khi xem lại chỉ cần tập trung vào những gì đã note, giúp tổng hợp kiến thức rất tốt.
7. Chán là tất yếu của việc học liên tục và trong khoảng thời gian kéo dài. Mình thay đổi tài liệu học liên tục để tránh bị chán. Ví dụ: làm revision kit chán thì lôi Lecture notes trên Opentuition ra đọc hoặc vào Youtube xem video bài giảng. Chú ý cần tập trung, tránh bị dấn thân vào các phương tiện giải trí.
8. Không dùng giấy nháp: bình thường ôn thi thì mọi người sẽ viết ra giấy cho dễ tư duy. Tuy nhiên, thời gian gấp gáp thì mình bỏ hẳn giấy nháp không dùng. Thực ra, mình đã áp dụng phương pháp này từ các môn F, tuy nhiên lúc ôn thi môn F thì thời gian khá thoải mái. Lúc đấy vẫn đang đi làm theo giờ hành chính thì trước khi thi vài tháng, mình đến công ty sớm chút để xem sách rồi sau giờ làm ở lại muộn chút… nên việc ôn tập cũng được kỹ hơn. Tuy nhiên, hậu quả thì vẫn có khi mình thi môn F7 đến lúc vào phòng đọc đề thi xong tự nhiên không nhớ ra nổi format của cái Cash flow statement như thế nào :3 May sao sau đấy vẫn chế ra được 😀
9. Lịch sinh hoạt: đặt đồng hồ báo thức ư? Mình không làm thế. Trong quá trình ôn thi đã ngủ là ngủ đến lúc nào tỉnh thì dậy. Do đặc thù phải dạy học vào buổi tối nên lịch sinh hoạt của mình cũng điều chỉnh theo. Đêm khoảng 2-3h mình mới đi ngủ và tầm 10-11h sẽ dậy. Dậy là học bài ngay xong ăn trưa rồi học tiếp, lúc nào mệt sẽ ngủ 1 lúc. Đến khoảng 17h30 là mình chuẩn bị để dạy học đến 21h, dạy xong sẽ ăn tối và nghỉ ngơi đến tầm 23h rồi học tiếp. Cũng khá may mắn khi lịch sinh hoạt của mình lại phù hợp với việc thi ACCA khi thi vào lúc 14h. Như vậy, đến lúc đi thi thì vào lúc 14h thì cũng như lúc mình mới ngủ dậy nên đầu óc khá thoải mái.
10. Tập trung hoàn toàn: khi vào giai đoạn căng thẳng thì mình dường như bế quan tỏa cảng. Chấm dứt mọi hoạt động với thế giới bên ngoài và ngồi ở phòng tâp trung ôn thi.
Cảnh báo: Các môn mình học kiểu này ít nhiều gì cũng đã có nền tảng trong quá trình làm việc nên việc đọc sách hoặc tư duy làm bài đều tư duy lại thực tế nên hiểu và tiếp thu nhanh hơn.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nên có lẽ với mỗi người sẽ tìm ra các học và thi phù hợp. Giai đoạn học ACCA của mình trải suốt quá trình đi làm theo giờ hành chính (khoảng 9-10 tiếng/ngày) rồi lúc đứng ra làm start-up. Khó khăn vất vả đủ cả nên theo mình, điều quan trọng đó là sự quyết tâm và không bỏ cuộc đến giây phút cuối cùng. Chúng ta vẫn có rất nhiều lý do để biện minh cho sự bận bịu của mình, nhưng chung quy lại thì cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên rồi tập trung vào nó là sẽ có cách làm được thôi 😀 Chúc các bạn học và ôn ACCA hiệu quả và chúng ta sớm được gặp nhau tại các buổi ACCA member connection.
by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)
=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/courses/
One thought on “Một tuần để tự học và ôn ACCA – không gì là không thể”