Hàn Tín là danh tướng thời Hán, đây là nhân vật được người đời kính trọng bởi tài năng của ông. Ở Việt Nam cũng đã có các danh nhân nhắc về Hàn Tín như Nguyễn Du có hai bài thơ viết về Hàn Tín, Lê Quý Đôn cũng viết một bài, vua Trần Anh Tông cũng nói về Hàn Tín.
Hàn Tín có nói với Tiêu Hà (là Tướng Quốc) 1 câu rất nổi tiếng về người làm tướng như sau (Theo Wiki):
“Bẩm Thừa Tướng, đạo làm tướng trước nhất phải có,”năm tài” và tránh “mười lỗi”. Năm tài là: trí, nhân, tín, dũng, trung.
- Trí thì biết cẩn thận.
- Nhân thì biết thương người.
- Tín thì không sai hẹn.
- Dũng thì không ai dám phạm.
- Trung thì không ở hai lòng.
Còn mười điều lỗi:
- Một là cậy vào cái dũng khinh thân mình.
- Hai là gặp việc gấp thì nóng nảy, thiếu cẩn thận. Khi ra một quyết định gấp
- Ba là gặp lợi thì ham.
- Bốn là vì lòng nhân không dám giết người.
- Năm là ỷ lại vào sức mình không biết lo xa.
- Sáu là tin mà không phòng.
- Bảy là không chịu thu thập ý kiến mọi người.
- Tám là việc đáng làm gấp mà do dự.
- Chín là thiên vị, thiếu công bằng.
- Mười là lười biếng, chỉ muốn sai người.
Nếu có đủ “năm tài” và tránh được “mười lỗi” ấy, tất là tướng giỏi.”
(Nguồn: Wikipedia Tiếng Việt)
Những điều này Hàn Tín đã đưa ra từ hơn 200 năm trước Công Nguyên, có nghĩa là cũng đã hơn 2,200 năm trước, nhưng ngẫm lại vẫn rất hay. Mình mạn phép mượn “5 tài” và “10 lỗi” của Hàn Tín để diễn giải trong kinh doanh như sau:
5 Tài:
- Trí thì biết cẩn thận. Trong kinh doanh, từ cẩn thận có thể nghĩ đến “rủi ro”. Khi ra một quyết định nào đó thì phải có sự đánh giá về những rủi ro có thể xảy đến. Việc quản trị rủi ro trong các doanh nghiệp bây giờ là rất quan trọng, các doanh nghiệp lớn đều có bộ phận này để tư vấn cho Hội đồng quản trị. Để hiểu được rủi ro thì đòi hỏi phải có sự am hiểu cũng như đánh giá về tất cả các yếu tố xoay quanh doanh nghiệp, ắt yêu cầu phải có TRÍ.
- Nhân thì biết thương người. Người ở doanh nghiệp đó chính là nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp… Hay nói một cách khác, ta có thể hiểu đó chính là đạo đức trong kinh doanh. Nếu như trước kia việc bóc lột công nhân xảy ra thì bây giờ rất nhiều doanh nghiệp chú trọng đến sự phát triển nguồn nhân lực và tổ chức các hoạt động “team building” để tăng sự kết nối nội bộ. Còn về mặt xã hội thì “Trách nhiệm xã hội – Corporate Social Responsibility (CSR)” là một yếu tố ngày càng được coi trọng. Ở các doanh nghiệp lớn thì ngoài báo cáo tài chính, họ còn lập báo cáo về CSR nữa để thể hiện trách nhiệm của họ đối với nhân viên, với cộng đồng, vì sự phát triển chung của xã hội. Điều đó có nghĩa là họ không bất chấp mọi thứ để kiếm lợi nhuận nữa.
- Tín thì không sai hẹn. Hẹn ở đây có thể hiểu đó là các giao kèo trong hợp đồng về cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay việc thanh toán tiền. Ai cũng làm được điều này, chắc hẳn sẽ tạo ra một xã hội không còn nợ xấu.
- Dũng thì không ai dám phạm. Trong kinh doanh, người ta bảo thương trường như chiến trường. Và nếu như ở chiến trường khi bạn mạnh thì người khác không dám đánh thì trong kinh doanh cũng như vậy: bạn phải thực sự mạnh thì mới có thể giữ được sự phát triển bền vững.
- Trung thì không ở hai lòng. Cái này, có thể liên tưởng đến chuyện đang làm ở một công ty nhưng muốn nhảy sang một công ty khác và gây ảnh hưởng không tốt đến công ty cũ (tầm lãnh đạo cấp cao nhá, nhân viên thì chuyển thoải mái chả ảnh hưởng gì). Hay một cách khác, có thể nói đến việc “xung đột lợi ích” trong quá trình làm việc. Khi bạn gắn bó với một nơi có nghĩa là “trung” với nơi đó. Khi đã “trung” thì cần tránh những việc xảy ra chuyện xung đột lợi ích khi ra một quyết định hay thực hiện một công việc mà có gắn thêm lợi ích cá nhân vào.
10 lỗi:
- Một là cậy vào cái dũng khinh thân mình. Có nghĩa là khi đạt được thành công nhất định thì tự cho rằng mình là nhất, dẫn đến việc chủ quan rồi sau đấy gặp thất bại. Có thể nhớ về câu chuyện của Yahoo với thời hoàng kim khi các lãnh đạo cao cấp hài lòng với thành quả đạt được và chậm trong việc thay đổi dẫn đến sụp đổ; hay câu chuyện Nokia từng là một đế chế về điện thoại. Vì vậy, cho dù đã được được thành quả nhất định cũng không ngừng thay đổi và phát triển.
- Hai là gặp việc gấp thì nóng nảy, thiếu cẩn thận. Trong kinh doanh thì việc có các sự cố bất ngờ, yêu cầu ra quyết định ngay lập tức có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Vì vậy, đòi hỏi người ra quyết định phải giữ cái đầu lạnh và suy nghĩ thấu đáo, tránh việc hấp tấp mà ra quyết định không phù hợp. Điều này có thể thấy qua các vụ khủng hoảng về truyền thông.
- Ba là gặp lợi thì ham. Lợi nhuận là yếu tố mà các doanh nhân tìm kiếm, nhưng cũng chính vì bị lợi nhuận che mắt mà đã dẫn nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế phá sản. Ví dụ cách đây một vài năm khi ngành bất động sản đem lại lợi nhuận khổng lồ thì làm cho các doanh nhân thuộc các lĩnh vực khác nhảy vào cho dù họ không có kinh nghiệm. Kết cục thì rất rõ ràng là nhiều doanh nghiệp phá sản, gặp vấn đề tài chính hay đánh mất vị thế của mình trong lĩnh vực chính. Nếu ở VN ai cũng biết Mai Linh là một hãng taxi nổi tiếng thì đòn đánh vào sự phát triển của Mai Linh chính là khi CEO của họ quyết định đầu tư sang bất động sản.
- Bốn là vì lòng nhân không dám giết người. Giờ mà giết người thì nghe ghê quá ^^! Thời của Hàn Tín thì việc trảm tướng hay trảm quân hay trảm địch diễn ra như cơm bữa. Để duy trì kỷ luật hay trừ hậu họa thì buộc phải trảm và người đứng đầu phải cứng rẵn. Suy nghĩ về kinh doanh thì đó chính là việc sa thải nhân viên làm việc không hiệu quả. Nghe thì đơn giản nhưng bản thân mình cũng bị vướng vào hoàn cảnh chưa dám sa thải nhân viên làm việc không hiệu quả vì thương. Bây giờ đọc câu này của Hàn Tín thì hẳn phải cứng rắn hơn, sẵn sàng “trảm quân, trảm tướng” để thắt chặt kỷ luật và đưa cả doanh nghiệp đi lên.
- Năm là ỷ lại vào sức mình không biết lo xa. Lo xa ở đấy chính là tầm nhìn mang tính chất chiến lược. Quả thực vậy, câu chuyện giữa xe ôm truyền thống và xe ôm Grab làm mình liên tưởng đến điều số 5 này. Nếu như không có gì thay đổi thì người làm xe ôm truyền thống vẫn là xe ôm đến hàng chục năm về sau. Tuy nhiên, khi xe ôm Grab xuất hiện làm mất miếng ăn thì lại xảy ra tranh chấp mà không chịu thay đổi, không chịu tìm phương án khác để giải bài toán thu nhập cho mình.
- Sáu là tin mà không phòng. Bất kỳ ai cũng có thể cầm dao đâm lại bạn, nhất là người trong công ty, là nhân viên của mình. Họ có thể ôm tiền bỏ trốn, họ có thể tiết lộ bí mật kinh doanh, họ có thể lợi dụng thông tin để tư lợi cá nhân… Muốn “phòng” thì tất phải có các quy trình kiểm soát, đòi hỏi người lãnh đạo phải thiết lập khung quản lý rủi ro gian lận để giảm thiểu các tình huống này.
- Bảy là không chịu thu thập ý kiến mọi người. Một người lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến. Bởi nhiều cái đầu, bao giờ cũng hơn một cái đầu. Thực tế có nhiều lãnh đạo cho rằng mình tài giỏi nên gạt qua những phân tích, nhận định của người khác. Điều này càng dễ gặp với những doanh nhân thành công khi họ cho rằng họ làm việc gì cũng là đúng. Liên tưởng đến Trump chẳng hạn :))
- Tám là việc đáng làm gấp mà do dự. Cái này lại ngược với cái số 2, nếu số 2 nói về việc quá hấp tấp thì số 8 này nói về việc không dám ra quyết định. Đôi khi tình thế bắt buộc chúng ta phải có chút “liều”, phải quyết đoán và dựa vào sự biến chuyển của tình hình mà tiếp tục ra các quyết định tiếp theo.
- Chín là thiên vị, thiếu công bằng. Trong điều hành, nếu thiên vị và thiếu công bằng sẽ dẫn đến tình trạng nhân tài sẽ nghỉ việc mà chuyển sang công ty khác hoặc làm giảm động lực làm việc của nhân sự. Điều này có thể gặp trong các môi trường có con ông cháu cha, nếu một ai đó làm việc cũng như mình mà con đường thăng tiến mở rộng thì hẳn bạn sẽ mất đi động lực làm việc.
- Mười là lười biếng, chỉ muốn sai người. Ý nói về một vị lãnh đạo không biết đem lại sự phát triển, chỉ biết đem việc đưa lại cho nhân viên. Điều này có thể gặp ở trong cả lĩnh vực tư lẫn lĩnh vực công. Để tạo ra sự phát triển, đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn tìm tòi, học hỏi để cải tiến công việc của cả công ty. Hay một ý khác, đó là chuyện nhân viên này “nhờ vả” nhân viên khác làm việc hộ mình để mình được “rảnh tay”. Những người này tuy rảnh tay nhưng lại thiếu đi một phần kiến thức nào đấy vì đã “nhờ người khác làm hộ” nên họ khó có được sự thăng tiến về công việc.
by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)
=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/courses/