Khi đại gia một thời đi lái xe thuê

Do có việc đi công tác đột xuất ở Tam Kỳ – Quảng Nam, gần nửa đêm, tôi lấy vội số điện thoại ở khách sạn và đặt xe để sáng hôm sau khởi hành sớm. Đúng giờ, một bác tài xế lái chiếc 4 chỗ đến đón tôi và như thường lệ, là những câu hỏi làm quen rồi câu chuyện của bác tài xế làm tôi chăm chú. Lắng nghe câu chuyện với sự chia sẻ rất thật và những câu hỏi của tôi dường như làm bác tài xế kể không ngớt. Chợt nhận ra mình như một nhà báo hỏi để khai thác thông tin vậy :))

 

Nhanh chóng thành đại gia
Cách đây khoảng 20 năm, chàng trai B gặp một người Nhật và trợ lý tại một bãi biển tại Đà Nẵng. Khi nói chuyện thì vị khách người Nhật có chia sẻ việc đang đi tìm nguồn cá bò khô để nhập khẩu. B nhận thấy đây là một cơ hội kinh doanh rất tuyệt vời, vì vậy đã tự mày mò nghiên cứu cách chế biến cá bò khô. B đã mất khoảng một tháng tự tay cắt từng lát cá, phơi khô để đưa ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Với đầu ra được đảm bảo và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 50%, B đạt được sự thành công trong khoảng thời gian rất ngắn. Và chỉ sau 6 tháng, như cách B diễn đạt lại là “nhà đầy tiền”, thì B đã dư thừa nguồn vốn để mở rộng sản xuất cũng như thu mua dọc các tỉnh miền trung. Chuyện kinh doanh của B rất thuận lợi trong khoảng 10 năm và đạt quy mô cả nghìn công nhân, trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn ở ĐN. Lúc ấy, mỗi ngày doanh nghiệp của B tạo ra 10 tấn thành phẩm và lợi nhuận đạt đến 450 triệu đồng/ngày.

 

Khi thị trường bất ổn và nhận định sai lầm
Đến khoảng 2007, khi thế giới chuẩn bị rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào 2008 thì lượng cầu về sản phẩm hải sản khô bị sụt giảm. Trong khi đó, nguồn cung đầu vào lại khan hiếm do việc đánh bắt bị ảnh hưởng. Đứng trước tình hình giá bán giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng thì anh B tìm hiểu thêm một số thông tin thống kê và nhận định rằng nếu tiếp tục sản xuất và lưu trữ thì sau này thị trường tăng trở lại sẽ có lợi nhuận lớn.

 

Tin vào nhận định của mình, anh B tiếp tục tăng cường thu mua và sản xuất trong khi các doanh nghiệp khác tạm ngưng hoạt động vì thị trường đi xuống. Tuy nhiên, với việc mạnh tay thu mua và sản xuất trong bối cảnh chi phí cao, anh B không ngờ rằng giá vốn đã bị đội lên rất nhiều:
– Do việc đánh bắt không thuận lợi nên giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gấp đôi, gấp ba.
– Do việc đánh bắt không thuận lợi nên trọng lượng cá giảm (cá nhỏ hơn), dẫn đến chi phí nhân công chế biến cá bị tăng lên.
– Hàng sản xuất ra lưu kho chưa bán được ngay nên dòng tiền bị thâm hụt.

 

Để có nguồn vốn sử dụng cho thu mua và sản xuất thì anh B đã tận dụng tối đa nguồn vốn từ đơn vị ủy thác xuất khẩu. Tức là khi anh B thu mua nguyên vật liệu thì một công ty xuất khẩu hộ sẽ rót vốn cho anh B tạo ra sản phẩm để họ xuất khẩu.

 

Dấu chấm hết
Khi thị trường thế giới ổn định trở lại, anh B hồ hởi bởi số lượng hàng mình sản xuất đã nhiều và có thể cung ứng thu lãi lớn. Tuy nhiên:
– Ngư dân đánh bắt thuận lợi, giá nguyên vật liệu giảm khiến các đối thủ cạnh tranh tạo ra sản phẩm với giá thành thấp hơn.
– Hàng của anh B lưu kho đã lâu nên chất lượng không được tươi thơm như hàng mới mà đã bị ngả màu vàng. Chính yếu tố này khiến cho các khách hàng từ chối nhập hàng của anh B.

 

Đứng trước tình huống trên, anh B phải bán tống bán tháo toàn bộ số hàng để trả phí cũng như số tiền nợ cho đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu. Như vậy, toàn bộ cơ ngơi của anh B trị giá hàng trăm tỉ được tích cóp trong cả chục năm trời đã phải bán hết đi để trả nợ. Cái xưởng 70 tỷ bán chỉ còn được 40 tỷ, rồi toàn bộ nhà cửa trước đấy anh B mua ở Sài Gòn nay cũng phải bán để trả nợ.

 

Giờ là bác tài xế
Anh B bây giờ đã là bác tài xế đứng tuổi. Câu chuyện được bác tài xế kể lại, thỉnh thoảng lại pha chút hài hước: “Đấy, bây giờ mình đi lái xe mà cái xe này cũng không phải của mình, xe của công ty”. Thực ra, bác cũng chỉ mới lái xe chở khách được một thời gian, bởi sau khi mất tất cả, bác đã rơi vào khủng hoảng tâm lý. Như bác kể là mất mấy năm trời không làm ăn được gì, muốn làm lại nhưng rồi lại thất bại vì không vượt qua khỏi cái bóng của thành công trước đó. Rồi thời gian trôi qua, giờ nghĩ mọi thứ nhẹ tựa lông hồng và bác cảm thấy vui vẻ với cuộc sống hiện tại. Bác kể lại chuyện xưa với tâm thế rất thoải mái và vẫn thỉnh thoảng pha chút hài hước.

 

Khi nghe loáng thoáng về dự án tôi định làm, bác không ngại ngần chia sẻ quan điểm dựa trên kinh nghiệm của bác. Quả thực, một người từng trải luôn đưa ra những góc nhìn thú vị. Bác cũng chia sẻ cách làm sao để giữ được nguồn cung ổn định trong khi ngư dân hay bị các thương lái khác dụ dỗ. Bác chỉ cách làm sao để công nhân tranh nhau đi làm, đến nhận hàng để làm từ 3 giờ sáng…

 

Bài học từ bác tài xế
Qua câu chuyện trên cả quãng đường, tôi cảm thấy mình học hỏi được khá nhiều từ một bác tài xế, đồng thời cũng rút ra được kinh nghiệm cho bản thân. Sự thất bại của đại gia thủy sản ngày ấy bởi hai yếu tố chính: một là nhận định cá nhân mang tính chủ quan, hai là yếu tố khách quan của thị trường tác động. Cho dù là một hay là hai thì việc quản trị rủi ro đều đóng góp phần quan trọng. Một số điều rút ra:
– Hiểu kế toán để quản lý tốt giá thành.
– Quản trị rủi ro là một hệ thống, mọi nhận định cần có sự cân nhắc về rủi ro chứ không được cảm tính.
– Đôi lúc kinh doanh như chơi một canh bạc, có thể mất hết tất cả những gì trước đấy đã gây dựng.
– Khi thành công có rất nhiều bạn, khi thất bại chỉ có gia đình ở bên. Điều này luôn luôn đúng.
– Học cách chấp nhận thất bại.
– Sẵn sàng chia sẻ, dù là thành công hay thất bại.

 

P.s: Ảnh minh họa

 

By Trương Đức Thắng (ACCA, CIA, MSc (UoL))

Thông tin về khóa học Quản lý tài chính cá nhân – Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/2020/04/29/khoa-hoc-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan/

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s