Tư duy tiết kiệm thôi chưa đủ
Chắc hẳn từ bé mình cũng như các bạn đều học được cách phải tiết kiệm. Đương nhiên tiết kiệm là rất tốt trong việc cắt giảm chi tiêu, mình có nhắc đến tiết kiệm trong quy tắc 38 về chi tiêu tại đây: http://tinyurl.com/h7uq2uj. Tuy nhiên lâu dài đã khiến chúng ta hình thành tư duy tiết kiệm và một cách nào đó làm giảm tư duy làm giàu.
Một cách cơ bản nhất, “Thu nhập – TN” là các nguồn thu của bạn, “Chi phí sống – CPS” là các khoản chi mang tính chất hàng tháng để duy trì phong cách sống bình thường của bạn. Mình dùng từ “phong cách sống” vì mỗi người có một cách sống khác nhau và đương nhiên ảnh hưởng đến chi tiêu hàng tháng khác nhau. Như vậy, “thu nhập” trừ đi “chi phí sống” thì bằng một khoản dôi ra gọi là “Lợi nhuận – LN”. Khoản lợi nhuận này bạn có thể dùng để gom góp lại để mua nhà, xe hay đi du lịch, gọi là “Phân phối lợi nhuận – PPLN”. Và khoản còn lại sau phân phối được gọi là “lợi nhuận chưa phân phối – LNCPP”. Chú ý: đây là các thuật ngữ mình tự đưa ra nhé!

Như vậy, từ bé chúng ta đều được nhắc nhở phải tiết kiệm các khoản chi tiêu nằm ở hai mục “Chi phí sống” và “Phân phối lợi nhuận” với mục đích là để tạo ra quỹ “Lợi nhuận chưa phân phối” càng lớn càng tốt. Và khi tiết kiệm, chúng ta chỉ có thể tiết kiệm đến mức tối thiểu, còn tiết kiệm nữa thì vừa khổ vừa bủn xỉn ấy. Đến một mức nào đó thì chúng ta không thể tiết kiệm thêm được nữa.
Và nhìn vào bảng ở trên, bạn có thể thấy nếu chỉ tiết kiệm thì có gì đấy sai sai thì phải. Đúng vậy, một nhân tố quan trọng mà hầu hết những người đi trước không dạy chúng ta là cách làm thế nào để tăng thu nhập. Đây mới là mấu chốt để tạo ra quỹ LNCPP dồi dào để sau này bạn có thể phân phối mua nhà, xe hoặc đi du lịch…
Như vậy, việc tiết kiệm cần được điều chỉnh một cách phù hợp với các giai đoạn phát triển của bản thân. Và đến một điểm nào đó, bạn cần làm cho thu nhập tăng để đạt được khoản LNCPP như mong muốn. Ở đây, mình sẽ phân tích một chút về việc sử dụng quỹ LNCPP của bản thân mình như thế nào.
Với bản thân mình, mình đã áp dụng tiết kiệm CPS khi mới ra trường để tạo ra khoản LNCPP. Với khoản LNCPP này mình đã sử dụng để phân phối chính vào việc đầu tư cho học tập nâng cao kiến thức, đi du lịch và tái đầu tư. Phần chia sẻ của mình cũng chỉ phù hợp với những bạn như mình: tức là hai bàn tay trắng xây dựng sự nghiệp mà không có hoặc rất ít sự hỗ trợ từ gia đình cho dù đó là tiền bạc hay các mối quan hệ.
Học tập: Phần phân phối cho học tập chiếm hầu hết khoản lợi nhuận của mình. Trong quá trình học tập (từ năm 23 tuổi – 29 tuổi) khoản đầu tư cho học tập mình chưa có thống kê cụ thể nhưng rơi vào trung bình 40-50tr/năm. Càng về sau thì chi phí học tập càng lớn, nếu như năm 23 tuổi thì chi phí tầm 20-30tr thì năm vừa rồi (2016) mình chi khoảng 100tr cho học tập. Khoản chi phí này với một tân cử nhân mới ra trường là rất áp lực vì thu nhập của tân cử nhân chỉ khoảng 100tr/năm. Nhưng nếu không đầu tư vào kiến thức thì đương nhiên sẽ thiếu nền tảng để sau này sử dụng để kinh doanh. Và đầu tư vào học tập thì cũng khá “lâu” và đòi hỏi phải kiên trì, như mình mất đến 7 năm sau ra trường để học hỏi các kỹ năng, kiến thức, tiếng Anh.
Tái đầu tư: Chính việc sử dụng nguồn lợi nhuận và phân phối vào lĩnh vực học tập đã giúp mình có thêm nhiều kiến thức để đầu tư hiệu quả. Với phần tái đầu tư thì ban đầu đi làm mình áp dụng nguyên tắc 50% tiền lương chuyển ngay vào tài khoản chứng khoán. Sau đó với vốn nhỏ tiết kiệm được, mình đã sử dụng để đầu tư vào một quán cafe nhỏ mang tên Scopi, rồi sau đó là trung tâm tiếng Anh BST và quán sữa chua Tachi Yummy. Giai đoạn trên mình vừa học tập và kinh doanh để kiếm tiền đầu tư cho học tập. Hiện tại mình đang 29 tuổi, đã hoàn thành học tập và có thể tập trung vào các dự án kinh doanh. Trước mắt là dự án hostel và dự án Free&Easy tour tại Đà Nẵng. Bạn có thể đọc về công thức phát triển theo chiều dọc hoặc ngang nhưng mình cho rằng “phi thương bất phú”, tức là bạn cần làm gì đó để giải quyết trước mắt về vấn đề tài chính cá nhân ở một mức độ để có thể trang trải “thoải mái chút” cho các chi phí sống và học tập. Và “thương” – tức là kinh doanh – là cách để giải quyết vấn đề này. Nhưng cũng phải lưu ý là bạn cần có sự ưu tiên, khi sa đà quá vào việc “thương”, bạn có thể ngủ quên trên chiến thắng mà bỏ mất việc học tập tạo nền tảng về sau. Bản thân mình đã từng kinh doanh rất tốt, tuy nhiên mình cũng phải “dừng lại” để tập trung vào hoàn thiện học tập. Bởi những lúc kinh doanh tốt đó có thể tạo ra được thu nhập cao hơn mức bình quân nhưng cũng có sự giới hạn về thu nhập của dự án. Bạn dừng lại, tập trung vào thứ cốt lõi để sau này làm những thứ to lớn hơn.
Đi du lịch: Nghe cứ như đi chơi nhưng thực sự các chuyến đi giúp mình mở mang tư duy rất nhiều, đặc biệt là cách thức “tái đầu tư” như thế nào cho hiệu quả. Nếu chỉ đọc qua sách vở, chúng ta mới chỉ hiểu được một vài phần. Còn khi thực tế đi, bạn sẽ hiểu được nhiều hơn cũng như có góc nhìn thực tế hơn. Khi quỹ LNCPP của mình dư thừa chút (từ năm 26 tuổi), mình cũng bắt đầu đi du lịch khá nhiều. Đi quanh VN và bước chân ra các nước xung quanh khu vực giúp mình có thêm nhiều sự hiểu biết về văn hóa, con người cũng như cách thức kinh doanh.
Như vậy, khi đi làm mình đã hình thành quỹ LNCPP. Sau đó mình dùng quỹ lại để phân phối cho học tập là chính, phần dư ra mình dùng để tái đầu tư. Sau khi tái đầu tư tạo ra quỹ LNCPP chi thoải mái cho học tập và có dư thừa thì mình dùng phần dư thừa đấy để đi du lịch. Còn chi tiêu cho các sở thích cá nhân thì khá ít.
Trên đây là chia sẻ của mình về tư duy tiết kiệm, còn một phần khá quan trọng là làm sao để tăng được “Thu nhập” và “Tái đầu tư” như thế nào thì mình sẽ dành để chia sẻ tại một bài viết khác nhé!
By Trương Đức Thắng (ACCA, CIA, MSc (UoL))
Thông tin về khóa học Quản lý tài chính cá nhân – Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/2020/04/29/khoa-hoc-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan/
anh ơi! với một tân cử nhân mới ra trường, để có thể vừa tiết kiệm vừa tái đầu tư như anh nói thì cần có hành trang gì ạ.
Chứng khoán là một lĩnh vực đầy rủi ro, thực sự để có lãi đến mức tích lũy được vốn kinh doanh như anh nói thì anh đã phải học ở đâu, đọc những cuốn sách nào ạ?
LikeLike
Hi em,
Với tân cử nhân anh nghĩ điều quan trọng nhất khi kiếm được tiền lương là không tiêu pha lãng phí. Thường mọi người bắt đầu kiếm được tiền sẽ dùng tiền đó để mua những thứ mình thích. Còn để tái đầu tư thì mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng, nên vận dụng vào điểm mạnh của mình để tăng thêm thu nhập. Ví dụ ở quê em có món đặc sản gì đó, em có thể nhập ra để bán. Trước mắt cứ bắt đầu nhỏ để hiểu các nguyên lý của kinh doanh, sau đó mới làm lớn hơn được.
Về chứng khoán, đúng là rủi ro rất cao. Anh cũng chỉ coi chứng khoán là một kênh “tiết kiệm” bằng cách đầu tư an toàn. Còn phần lớn thu nhập của anh đến từ các mảng kinh doanh khác, hiện tại anh không đầu tư chứng khoán. Về chứng khoán, anh nghĩ em cứ mở tài khoản rồi “trading” là sẽ có kinh nghiệm, sau đó sẽ cần biết đọc thêm những sách gì nhé.
Regards,
LikeLike