Học ACCA sẽ có rất nhiều kỷ niệm, Vũ Việt Hà là một người bạn học cùng lớp đại học với mình tại Học viện Tài chính, khi ra trường thì tụi mình cũng cùng bắt đầu học ACCA vào kỳ Dec 2011 và hoàn thành vào kỳ Dec 2014. Hiện tại, cả hai cũng đã đủ 5 năm ACCA members và sắp được vinh danh là FCCA vào năm 2020 này. Mọi người thường hay gọi tụi mình là đôi bạn cùng tiến. Thực ra, trong quá trình học ACCA thì tụi mình học các môn lệch nhau và cũng không đi học cùng nhau môn nào. Có chăng là đi thi gặp nhau và thỉnh thoảng gặp nhau lại cà khịa. Và câu chuyện cà khịa nhiều nhất vẫn là chuyện Hà làm audit nhưng thi tạch F8 là môn học về kiểm toán tới hai lần, trong khi mình không làm kiểm nhưng thi phát là pass luôn :))
Câu chuyện này cũng là “niềm vui” mỗi khi tụi mình gặp chém gió với nhau. Sau bao năm thì lần này mình đã thuyết phục Hà đưa “cảm nhận” về việc trượt F8 2 lần như thế nào lên để chia sẻ với cả nhà, và cũng để cả nhà rút thêm kinh nghiệm cũng như học hỏi về sự kiên trì trên con đường chinh phục ACCA. Sau đây là chia sẻ của bạn Việt Hà:
======================================================
Kỳ thi ACCA đầu tiên của tôi là kỳ Dec 2011, khi đó đăng ký F6 F7 và thằng lợi giòn giã, tiếp đến tôi đăng ký F5 F9 và cũng pass cả hai. Tới kỳ Dec 2012 thi F8 P2 thì bắt đầu nếm mùi tạch. Lý do vì sao đăng ký các môn thứ tự như trên vì với dân kiểm toán, một số môn sẽ được coi là “cứu cánh”, dễ ăn hơn những môn còn lại nên đăng ký sẽ theo cặp 1 môn dễ – 1 môn khó để phân bố đủ thời gian học. Ví dụ so với F7 thì F6 là môn thuế, chúng tôi cũng được cọ xát thực tế qua công việc, F5 so với F9 cũng là “ngon ăn” vì cũng được tiếp xúc nền tảng quản trị qua công việc.
Tạch lần 1: Quay lại kỳ Dec 2012. Đúng ra kỳ đó F8 sẽ là cứu cánh cho P2, nhưng do đây cũng là kỳ đầu tiên tôi được đảm nhận vị trí trưởng nhóm, lead team ở khách hàng, công việc đòi hỏi tính bao quát tất cả mọi người chứ không chỉ của bản thân tốt là được, cộng thêm môn P2 tốn khá nhiều thời gian ôn tập, và thêm tâm lý chủ quan “mình là dân kiểm cơ mà, lo gì cái môn kiểm toán”. Cứ thế đến sát kỳ thi, tôi vẫn chưa sờ đến tí gì F8, đi thi chỉ đọc qua một lần tập Revision mượn của một người bạn học trung tâm V. Tất nhiên là tạch, tạch thảm hại là khác, trong lúc P2 pass thì F8 có 36 điểm.
Tạch lần 2: Phục thù kỳ sau đăng ký liền 3 môn F8 P1 P3 lại rơi vào mùa đi tỉnh, và kết quả cũng không khá hơn, P1 P3 vẫn pass và F8 lại tạch 😞 ôi chao là buồn, lại được thằng bạn quý hóa cứ mỉa mai dân audit mà trượt F8 lên xuống.
Quá tam ba bận: Sau kỳ đó tôi nhận ra chắc chắn phương pháp học và làm bài thi của mình có vấn đề, nên đăng ký đi học và cũng nhận ra nhiều điều để sửa đổi cải tiến bài thi hơn. Kết quả thi tới lần thứ 3, tôi pass ở mức 66%, quan trọng hơn tôi sửa được cái tính chủ quan khi thi cử 🙂 Và cuối cùng tôi đã qualify ACCA sau kỳ Dec 2014, kết thúc 3 năm dùi mài kinh sử bằng môn P5 tươi đẹp ❤
Bài học kinh nghiệm:
– Không chủ quan khi học ACCA, đặc biệt là với môn học tưởng chừng như thế mạnh của mình nhưng lại là môn khiến mình trượt.
– Tâm lý vững và kiên trì theo đuổi. Khi thi trượt ACCA sẽ khiến bạn buồn, nhưng khi thi trượt một môn mà mình đang làm việc sẽ khiến bạn thấy buồn gấp vài lần, lại thêm thằng bạn thân suốt ngày cà khịa nữa thì tâm lý bạn phải vững để tiếp tục phục thù.
Vũ Việt Hà – ACCA, CPA
Tax manager – Yusen Logistics Vietnam
by Trương Đức Thắng (FCCA, CIA, MSc)
=> Tìm hiểu các lớp học đang được đào tạo bởi Mr Thắng Trương: https://truongducthang.com/courses/